Nuôi con, ba mẹ sẽ luôn ngóng trông các mốc phát triển của con như là biết lật, biết ngồi, biết bò… nhưng sao mãi chưa thấy cái răng nào nhú lên trong khi “con nhà người ta” đã 3, 4 cái rồi?
Vậy con có bị thiếu canxi, còi xương ? Con có bị bệnh gì? Liệu con có bị … không có răng luôn không?
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chậm mọc răng ở trẻ, nhưng hầu hết các trường hợp trẻ sẽ tự mọc răng mà không cần phải can thiệp gì. Yên tâm, con bạn sẽ không bị "thiếu răng" đâu.
Răng của trẻ quan trọng như thế nào?
Răng của trẻ rất quan trọng và có nhiều ảnh hưởng đến:
Phát triển ngôn ngữ: Hãy tưởng tượng bạn nói chuyện với một bé bị "sún" 2 răng cửa trước, bạn nghe bé nói chuyện như thế nào? Rõ ràng là bé phát âm không rõ phải không? Vì vậy răng đủ, thẳng hàng sẽ ảnh hưởng tới khả năng phát âm và nói chuyện của bé.
Nhai và ăn uống đúng cách: Tiêu hóa đúng cách bắt đầu từ miệng, quá trình nhai giúp phá vỡ thức ăn thành các kích cỡ dễ tiêu hóa, nướu được kích thích và phát triển đồng thời giúp làm sạch răng khi nhai.
Phát triển cơ và xương hàm: Nhai giúp bé tập luyện cơ mặt, lưỡi và cơ hàm. Nếu cơ hàm không phát triển tốt thì xương hàm cũng kém phát triển. Nhai nhiều dạng thức ăn sẽ giúp cho bạn nhỏ của chúng ta phát triển cơ mặt và hàm khỏe mạnh!
Quá trình mọc răng bình thường ở trẻ
Khi trẻ được sinh ra, các mầm răng đều đã có và nằm trong nướu răng. Khoảng 6 tháng tuổi, các răng sẽ dần dần nhú ra. Đầu tiên là 2 răng cửa dưới, tiếp đó là 4 răng cửa trên, thông thường mọc từng cặp, mỗi bên 1 cái. Các giai đoạn thông thường của mọc răng như sau:
- 11 tháng tuổi: 4 răng,
- 15 tháng tuổi: 8 răng,
- 19 tháng tuổi: 12 răng,
- 23 tháng tuổi: 16 răng,
- Khoảng 3 tuổi: hầu hết sẽ mọc đủ 20 cái răng sữa.
Tuy nhiên, không phải bé nào cũng sẽ mọc răng theo chu trình giống nhau.
Một số nguyên nhân bệnh lý gây chậm mọc răng
Đa số trường hợp mọc răng muộn có thể chỉ là một đặc điểm bình thường của gia đình, có thể so sánh với thời điểm mọc răng của ba mẹ lúc nhỏ hoặc với anh chị em ruột.
Các nguyên nhân ít gặp khác:
- Bất thường di truyền: loạn sản răng, rối loạn phát triển răng, hội chứng Down, suy giáp, suy tuyến yên, lùn do bất sản sụn, bệnh bất thường về xương,
- Còi xương kháng vitamin D (bệnh lý di truyền: giảm phosphate máu),
- Thiếu dinh dưỡng, thiếu máu,
- U nang hoặc khối u trong nướu,
- Bệnh lý gen "không có mầm răng" (anodontia) hoàn toàn hoặc một phần ("thiếu răng").
Khi răng con không mọc như thông thường, ba mẹ có cần đưa con đi khám?
Câu trả lời là ba mẹ không nên quá lo lắng vì không trẻ nào mọc răng giống nhau cả.
Tuy nhiên, nếu 16 tháng tuổi mà trẻ chưa có cái răng nào, ba mẹ nên đưa con đến gặp nha sĩ và bác sĩ nhi để kiểm tra có nguyên nhân đặc biệt nào không.
Và ba mẹ nên nhớ rằng dù răng mọc sớm hay muộn thì việc chăm sóc răng cho con ngay khi răng mới nhú là điều tốt nhất ba mẹ có thể làm để giúp trẻ có sức khỏe răng miệng lâu dài.
Theo Tuổi trẻ.vn